Suy dinh dưỡng thường do tổng hợp nhiều nguyên nhân gây ra như: do dinh dưỡng, do ốm đau kéo dài, do thể tạng dị tật, do điều kiện kinh tế - xã hội....
I. CHĂM SÓC TRẺ SUY DINH DƯỠNG
Suy dinh dưỡng thường do tổng hợp nhiều nguyên nhân gây ra như: do dinh dưỡng, do ốm đau kéo dài, do thể tạng dị tật, do điều kiện kinh tế - xã hội.... Vì sao trẻ bị suy dinh dưỡng? Suy dinh dưỡng ở trẻ thường do tổng hợp nhiều nguyên nhân gây ra như:
- Do dinh dưỡng: Trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít lần trong ngày, kiêng khem quá mức khi trẻ bị bệnh. - Do ốm đau kéo dài: Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa nhiều lần, biến chứng sau các bệnh viêm phổi, sởi, lỵ… - Do thể tạng dị tật: Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh. - Do điều kiện kinh tế - xã hội: Suy dinh dưỡng là một bệnh do ảnh hưởng của nghèo nàn và lạc hậu, có liên quan đến kinh tế, văn hóa, dân trí.
Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như trẻ hoạt động quá nhiều, hoặc sống trong môi trường quá nóng, quá lạnh, làm tiêu hao năng lượng nhiều; hoặc trẻ bị bệnh nặng có nhu cầu các dưỡng chất cao mà không được cung cấp tăng cường.
Muốn biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không các bà mẹ cần phải theo dõi cân nặng thường xuyên cho trẻ trên biểu đồ phát triển. Nếu thấy 2 - 3 tháng liền trẻ không tăng cân cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.
Theo tiêu chuẩn cân nặng/tuổi người ta chia suy dinh dưỡng làm 3 độ:
- Suy dinh dưỡng độ I: Trọng lượng còn 90% so với tuổi
- Suy dinh dưỡng độ II: Trọng lượng còn 75% so với tuổi
- Suy dinh dưỡng độ III: Trọng lượng còn dưới 60% so với tuổi. Những nguy cơ của suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý hô hấp, tiêu chảy… xảy ra và kéo dài, bệnh lý làm cho trẻ ăn uống kém, nhu cầu năng lượng gia tăng và vì vậy suy dinh dưỡng ngày càng trở nên nặng nề hơn; Ảnh hưởng đến phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng thường chậm chạp lờ đờ vì vậy giao tiếp xã hội thường kém, kéo theo sự giảm học hỏi, tiếp thu. Những loại thực phẩm nên dùng cho trẻ suy dinh dưỡng.
- Gạo, khoai tây.
- Thịt: gà, lợn, bò, tôm, cua, cá, trứng.
- Sữa bột giàu năng lượng: Trẻ < 1 tuổi: dùng sữa Similacneosue, trẻ > 1 tuổi: dùng sữa Pediesue, Pediecare, Berlamin, Calosue, Makersue…, hoặc các loại sữa bột công thức theo tháng tuổi (nếu không có điều kiện có thể dùng sữa đậu nành).
- Dầu, mỡ.
- Các loại rau xanh và quả chín. Chế độ ăn với trẻ suy dinh dưỡng nặng (độ III).
- Cho nhiều bữa trong ngày.
Tăng dần calo.
Dùng sữa cao năng lượng: Trẻ < 1 tuổi: dùng sữa Similacneosue, trẻ > 1 tuổi: dùng sữa Pediesue, Pediecare, Berlamin, Calosue, Makersue.
- Trẻ cần được ăn bổ sung theo các chế độ ăn giống như trẻ bình thường. Số lượng một bữa có thể ít hơn nhưng số bữa ăn nhiều hơn trẻ bình thường.
- Những trẻ có suy dinh dưỡng nặng kèm theo tiêu chảy hoặc viêm phổi phải đưa vào điều trị tại bệnh viện Ngoài chế độ ăn còn cho trẻ ăn bổ sung thêm một số vitamin và muối khoáng.
- Các loại vitamin tổng hợp.
- Chế phẩm có chứa sắt chống thiếu máu.
- Men tiêu hóa (nhưng phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc). Chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng.
- Trẻ phải được vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ.
- Phải giữ ấm về mùa đông, phòng ở thoáng mát về mùa hè, đầy đủ ánh sáng. II. GIÚP TRẺ CHĂM ĂN, CHÓNG LỚN
Nhìn trẻ ăn uống ngon miệng, cha mẹ nào cũng hạnh phúc vì thấy con khỏe mạnh, khôn lớn từng ngày.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, có một nghịch lý khá phổ biến đang tồn tại, là tình trạng biếng ăn ở trẻ tỷ lệ thuận với sự phong phú và dồi dào của nguồn thực phẩm dinh dưỡng sẵn có. Quan niệm mong con “hay ăn chóng lớn” vô hình tạo nên một áp lực lớn đối với cha mẹ, thậm chí gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Vì thế để giúp con ăn uống ngon miệng và phát triển tốt, bác sĩ Thạc khuyên cha mẹ nên lưu ý những nguyên tắc cơ bản khi cho trẻ ăn uống như sau:
Không nên quá áp đặt việc ăn uống của trẻ.
Món ăn của bé nên phong phú và bắt mắt.
Tạo không khí sinh hoạt gia đình vui vẻ và hòa đồng trong bữa ăn.
Muốn con hay ăn chóng lớn, cha mẹ không nên quá áp đặt chuyện ăn uống của trẻ.
Đừng bắt con ăn hết phần ăn mà bạn muốn, trẻ sẽ rất dễ ngán và cảm thấy việc ăn uống trở nên nặng nề. Hãy để bé ăn theo nhu cầu. Khi trẻ không muốn ăn nữa, bạn nên ngưng món ăn chính và chuyển sang món tráng miệng. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy thật thoải mái khi được cho ăn.
Tránh tuyệt đối việc khen thưởng khi trẻ chịu ăn loại thực phẩm mà bạn muốn vì nghĩ thức ăn ấy tốt cho bé. Điều này gây ra tình trạng mất cân đối các loại thực phẩm trẻ cần, khiến bé biếng ăn vì cứ phải dùng một loại thức ăn không còn sức hấp dẫn với mình nữa.
Hãy quan tâm đến tính đa dạng của các món ăn. Nếu ngày nào bạn cũng dọn cho trẻ món trứng đúc thịt, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi bé không muốn ăn. Hãy thử bữa sau bạn cho trẻ một khúc cá chiên hay bát súp sườn hầm khoai tây, chén canh rau dền cua đồng…bạn sẽ thấy bé luôn tò mò thích ăn thử món mới xem sao.
Khuyến khích trẻ ăn đủ các bữa trong ngày một cách điều độ, đặc biệt là bữa sáng. Nghiên cứu dinh dưỡng cho thấy những trẻ ăn sáng đều đặn có vóc dáng cân đối và thường mạnh khỏe hơn đứa hay bỏ lỡ bữa sáng.
Cắt giảm những bữa ăn vặt. Bạn hãy xem tình trạng biếng ăn của con mình có liên quan đến việc ăn vặt của bé hay không. Vài cái kẹo, một gói bánh snack, một củ khoai… tưởng như không là gì nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sự ngon miệng của trẻ.