Trong các hoạt động giáo dục của trẻ ở trường mầm non, hoạt động vui chơi là một trong những hoạt động chủ đạo, song hoạt động học tập được thể hiện qua các giờ hoạt động học đó là hoạt động cung cấp chủ yếu có hệ thống kiến thức cần trang bị cho trẻ. Vậy tổ chức các tiết học như thế nào để trẻ lĩnh hội các kiến thức một cách đơn giản nhưng hiệu quả, nhất là đối với hoạt động “ Làm quen với toán”.
Hiểu được điều đó năm học 2021-2022 tôi được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo nhỡ 3 để trẻ hứng thú học toán qua việc " sử dụng đồ dùng đồ chơi trực quan hấp dẫn" có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của trẻ thơ. Đồ chơi là nhu cầu tự nhiên không thể thiếu đối với cuộc sống của trẻ, chẳng khác gì bữa ăn, giấc ngủ, quần áo... đối với trẻ. Đồ chơi là nguồn vui, là phương tiện để trẻ chơi và là dụng cụ để học tập. Với trẻ 4+5 tuổi việc làm quen với biểu tượng toán là hoạt động cần thiết, không những tạo cho trẻ có được tính nhanh nhẹn, thông minh, hoạt bát, sáng tạo trong khi trẻ thực hiện hoạt động ở trên lớp cũng như trong các hoạt động khác mà còn góp phần phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ mẫu giáo.
Thông qua toán học ta thấy nó có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, nó giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh về các mối quan hệ số lượng, hình dạng, kích thước, định hướng không gian...Mở rộng sự hiểu biết của trẻ về các mối quan hệ trong môi trường xung quanh. Biểu tượng toán được hình thành ở trẻ từ rất sớm, xong những biểu tượng ấy là do phản xạ tự nhiên của cơ thể hoặc do trẻ bắt chước người lớn thông qua các hoạt động hàng ngày, còn việc hiểu thấu đáo, vững chắc có hệ thống các khái niệm đó thì chưa có nên diễn đạt thường không chính xác.
Để trẻ tiếp thu những kiến thức một cách nhẹ nhàng thì đồ dùng, đồ chơi để trẻ sử dụng phải đẹp, màu sắc tươi sáng và phù hợp với trẻ, với chủ đề và với đề tài đang học. Điều quan trọng nữa là đồ dùng đồ chơi phải tuyệt đối an toàn đối với tính mạng của trẻ và trẻ được sử dụng triệt để đồ dùng, đồ chơi trong quá trình học.
Trong thực tế, qua nhiều năm công tác tôi nhận thấy rằng trẻ nhỏ rất thích được chơi với những đồ chơi mới lạ đặc biệt là những đồ chơi mà do tự tay cô giáo, phụ huynh hay tự trẻ làm ra, khi đó sẽ phát huy được tính tích cực sáng tạo của trẻ trong các hoạt động. Bên cạnh đó, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, thường có rất nhiều sản phẩm bị loại bỏ sau khi sử dụng, chẵng hạn như vỏ chai dầu gội, sữa tắm, lon bia, vỏ hộp sữa, bìa lịch cũ, đĩa CD bị trầy cũ… đó là nguồn vật liệu rất phong phú và đa dạng, có thể tận dụng làm những việc hữu ích giúp trẻ làm quen với toán như: Làm hoa các màu xanh, đỏ, tím, vàng, các loại củ, quả, cây ăn quả, làm bộ cốc chém hay cũng có thể biến những chiếc hộp, bìa to nhỏ thanh ô tô, tàu hỏa, nhà cửa, bàn ghế, những lon bia chúng ta có thể tạo thành chú sâu nhỏ. Những đồ chơi này vừa dễ làm, dễ sử dụng trong các giờ học và các hoạt động, nâng cao hiệu quả chất lượng cho trẻ mẫu giáo nhỡ làm quen với toán.
Qua đề tài sáng kiến kinh nghiệm này tôi thấy rằng việc sử dụng đồ dùng, đồ chơi trực quan giúp cho trẻ hứng thú và phát huy tính tích cực ở trẻ , trẻ được tri giác trọn vẹn phần kiến thức mà trẻ cần biết, từ đó hình thành những biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ một cách chính xác, trẻ biết đếm và đặt số tương ứng, so sánh, phân loại, hình dạng kích thức, không gian, thời gian...
Việc sử dụng đồ dùng theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Đối với đồ dùng trực quan cho trẻ làm quen với biểu tượng toán màu sắc đẹp hấp dẩn, kích thích tính tò mò của trẻ, biết lựa chọn bài thơ, câu đố, những bài hát phù hợp với nội dung bài dạy của chủ điểm, ngôn ngữ diễn đạt rõ ràng dễ hiểu, chuyển tiếp linh hoạt kết hợp với đồ dùng gây được sự chú ý của trẻ, từ đó trẻ thích đi học hơn, mạnh dạn hơn và hoạt động tích cực và có độ chính xác hơn ,việc chuẩn bị và sử dụng đồ dùng dạy ở môn học này phù hợp với từng đề tài thì đem lại hiệu quả rất cao, giúp trẻ phát triển về 5 mặt đức, trí, thể, mỹ, lao động và nhận thức, về tình cảm xã hội, thế giới xung quanh trẻ. Sau đây là một số hình ảnh./.
Tác giả: Nhóm truyền thông trường MN Nam thanh
Nguồn tin: Trường MN Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ: